Tư duy ông chủ

Trong tất cả mọi hoạt động, hãy coi như bạn là ông chủ cho dù bạn có đang ở vị trí nào đi nữa, vì khi bạn coi mình là ông chủ có nghĩa bạn sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất cho những kết quả mình tạo ra. Và đặc biệt ông chủ thật sự sẽ rất để ý, quan tâm, cất nhắc những người biết suy nghĩ thay cho mình.

Ví dụ:

  • Khi nhóm bạn tổ chức thành lập một đội bóng, hãy coi mình là đội trưởng để đứng ra kêu gọi anh em tập hợp, tổ chức những trận đấu giao hữu, thi đấu máu lửa, đưa ra đấu pháp,  truyền cảm hứng cho mọi người cùng rèn luyện nâng cao sức khoẻ… Như thế bạn sẽ không rơi vào trạng thái kêu ca, phàn nàn rằng công ty mình không có phong trào thể thao ( có hay không là do bạn tổ chức ), anh em công ty không nhiệt tình tham gia ( bạn nhiệt tình anh em sẽ nhiệt tình ).
  • Khi bạn tới công ty làm việc, hãy suy nghĩ như thể bạn là chủ công ty này, làm sao để tiết kiệm chi phí cho công ty: trời mùa hè đừng bật điều hoà quá thấp rồi lại mặc áo cho đỡ lạnh, đừng lấy giấy trắng làm giấy nháp.
  • Trong mối quan hệ với đồng nghiệp, nhiều bạn bảo em không thể làm việc với đồng nghiệp này, em rất khó chịu với cách làm việc của đồng nghiệp kia… Dù trong mối quan hệ đồng nghiệp ngang hàng, bạn hãy luôn tư duy như mình là chủ, làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho đồng nghiệp làm việc, cho đi nhiều hơn, bao dung hơn, nhường nhịn tốt hơn để họ vui vẻ làm với mình, vì biết đâu một ngày bạn trở thành ông chủ thật thì họ sẽ là những người về làm cho bạn. 

Bạn cũng là ông chủ của chính bản thân mình. Bạn đang điều khiển cơ thể và bộ não để thực hiện những mục tiêu đề ra. Có đôi khi chân, tay mình kêu mỏi, kêu đau. Có đôi khi bụng mình kêu đói. Có đôi khi bộ não mình kêu stress. Thì bạn hiểu rằng đó là những nhân viên của mình đang than vãn mà thôi, hãy động viên họ cố thêm một chút.